Ngay từ tháng thứ 4, nhiều bà mẹ đã có thể cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của thai nhi (hay dân gian còn gọi em bé đạp, thai máy…). Thế nhưng cũng có nhiều chị em lần đầu làm mẹ lại rất lo lắng khi không cảm nhận được em bé đạp ở tháng thứ 4. Để giải toả những mối lo này, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về cử động của thai nhi với sự tham vấn của Bác sĩ Bảo nhé.
Khi nào bé bắt đầu đạp?
Thai nhi trong bụng mẹ phát triển rất nhanh và nhìn chung hầu hết bà mẹ đã cảm nhận được cử động của thai nhi trước tuần thứ 24. Dẫu vậy vẫn có khoảng 10% sản phụ không cảm nhận được thai cử động vì những lí do chủ quan như thành bụng dầy, môi trường ồn ào hay sản phụ mang thai lần đầu. Đối với những trường hợp này, bác sĩ có thể giúp sản phụ làm quen với cảm giác này bằng cách cho sản phụ nhìn thấy bé cử động (đạp) trên siêu âm.
Theo dõi cử động thai như thế nào ?
Sau khi đã quen dần với các cử động của thai, sản phụ từ 26 tuần có thể tập đếm cử động thai. Đếm cử động thai là một việc làm tương đối đơn giản, chúng ta có thể xem đó như là khoảng thời gian trò chuyện mẹ – con mỗi ngày. Sản phụ nên chọn một khung giờ cố định và rảnh rỗi trong ngày (thường là buổi tối), dành khoảng 20 phút nằm nghỉ ngơi thư giãn ở nơi yên tĩnh và đặt tay lên bụng tập trung cảm nhận những cử động của thai.
Làm gì khi thai máy ít đi?
Nếu có 6 cử động trong 20 phút, bạn có thể hiểu rằng sức khoẻ thai nhi của mình vẫn đang ổn định. Ngược lại, bạn cũng đừng vội lo lắng, bé có thể đang ngủ yên nên không cử động, bạn có thể tiếp tục đếm hoặc thử lại vào khoảng 1-2 giờ sau đó. Nếu sau đó bạn vẫn cảm thấy thai máy ít hơn thường ngày hoặc không an tâm, bạn nên đến khám bác sĩ để được theo dõi và kiểm tra kĩ hơn.
Như vậy đối với thai từ 24 tuần tuổi trở lên, các bà mẹ đã có thể cảm nhận được cử động thai. Mỗi ngày các mẹ có thể dành khoảng 20 phút để tâm sự cùng bé và đếm xem bé phản ứng lại bao nhiều lần nhé.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về cử động của thai nhi, nếu bạn muốn có thêm thông tin hoặc cần được tư vấn, đừng ngần ngại liên hệ chúng tôi để được tư vấn nhé.
Tài liệu tham khảo
Giáo trình Sản khoa – Đại học Y dược Tp.HCM
SOGC, Fetal health surveillance: Antepartum and intrapartum consensus guideline, September 2017